29/10/2017



Những người bạn mới ý nhị hỏi tôi: Thế cậu có tính trở về không? Câu hỏi quen thuộc thế nên câu trả lời cũng đơn giản là Có. Cậu ta im lặng. Tôi hỏi rằng cậu muốn ở lại nhiều lắm sao? Cậu gật đầu - Nhưng chuyện đó khó lắm. Thế là chúng tôi im lặng ra về. Tôi ít có thời gian để nghĩ ngợi nhiều, cũng không đủ thì giờ để buồn bã. Khoảng thời gian đó xảy ra một lần rồi thôi, khi máy bay ngang qua Bình Thuận và tôi thấy mình cách nhà hơn bốn nghìn dặm. Cậu hỏi tôi cách phát âm từ "Nha Trang", rồi cậu vui mừng bảo là Ông cậu sống ở đó, Nha Trang nhiều người Đại Lục lắm, vui lắm! Tôi cười im lặng. Tôi không thể nói rằng tôi không thích điều đó. Bọn tôi giống nhau ở một vài câu chuyện mà phần nhiều trong số đó là những điều không vui. Cậu thắc mắc nếu tôi muốn về thì vốn dĩ không nên đi, không phải sao? Tôi không giải thích được, có nhiều thứ trên đời này vượt ngoài khả năng của ngôn ngữ. Cậu sẽ hiểu được, có thể, khi cậu bước vào Thư viện thành phố.
Hôm đó là một trong những ngày ít ỏi có nắng. Cầu Evan gió lồng lộng, nhớ lại những điều cậu nói, và cả những tin tức quê nhà chẳng lấy gì làm vui vẻ đọc ban sáng. Tôi cố kiếm một bài vui vẻ, như bài này chẳng hạn, hoặc là Huế-Sài Gòn-Hà Nội.
Nhưng có lẽ, lúc viết nên các ca khúc tình yêu, niềm tin và hy vọng như thế, người ta chỉ mong quê hương im tiếng súng, bọn trẻ không phải từng đêm nghe ngóng tiếng hỏa châu rơi...
"Ta gánh chung đau thương một trời
Nam bắc ơi quê hương tình người ".
Mà cũng chẳng vui được lâu, tôi sống ở thời kì mà ông Thiêng nhắc đến, và tôi cho rằng ông cũng sống đủ lâu để thấy ước mơ dù là của ông hay ông Sơn, vẫn còn xa lắm.

Comments