Thư tình gửi một người

Một buổi tối nọ, như tối nay chẳng hạn, con nhỏ ngồi xếp bằng bên kệ sách tìm cuốn nào đó để đọc. Vì ngày sắp hết mà không thấy được gì hay ho. Viết dăm câu chữ lên đây thì cũng khó, Facebook không phải là nơi để phơi hết cảm xúc lên và đòi người đọc làm ơn buồn cùng vài phút. Nhất là khi bài đăng của bạn kẹp giữa một tấm hình bàn ăn thịnh soạn và một trang quảng cáo máy cạo râu. Thế thôi đành viết về một ông bác nọ, mà sau khi lật bừa vài trang thư tình của ổng, con nhỏ chắc mẩm đích thị cây đa cây đề của phường ngôn tình là đây chứ còn đâu nữa. Cần gì tận bên người anh em láng giềng môi lỡ không khép kịp thì răng liền bị cưỡm mất trong một chớp mắt.
Tập thư tình dày gần ba trăm rưỡi trang, từ năm sáu mươi tư tới hai ngàn lẻ một, ghi độc cho một cô trẻ tên là Dao Ánh. Ông bác cứ mỗi hai ngày, một tuần là ghi cho cô trẻ một lá thư, mà cuối thư nào cũng có vẻ hờn trách Ánh sao lâu quá không viết trả thư anh. Khiếp, với tốc độ tán gái nhanh như tốc độ lây lan của trận dịch năm nay, tám chục cô Ánh họa may mới viết kịp cho ông. May mà hồi đấy còn gửi thư tay, chứ còn như bây giờ bao lời vàng ngọc của ông, nếu gửi qua thư điện tử, chắc chỉ có chứa nổi trong thư mục Spam. Thế thì còn gì là vàng là ngọc.

Nhưng ông bác viết hay lắm, nghệ sĩ lớn mà, bức thư nào cũng như một khúc ca, và cách bỏ dấu thì cứ loạn xạ.
“Ở ngoài khung cửa. Trên trời cao. Một vì sao xanh xanh xanh. Anh gọi tên Ánh, tên Ánh, Ánh. Từ một vùng tối trở về. Mùi cỏ dại khơi lên. Và đồi đêm không. Một hoa đăng kết cho ngày cuối năm. Ôi ngày cuối năm.” Nhịp phách hệt lời của tên Humbert kể về Lolita. Rằng - Lolita - em là ánh sáng của đời tôi, là ngọn lửa của tôi. Tội lỗi của tôi, tâm hồn của tôi. Em là Dolores trên những dòng kẻ chấm. Nhưng trong vòng tay tôi, bao giờ em cũng là Lolita. Lo-lee-ta. Dĩ nhiên là bằng nội dung không kèm bất kỳ nhục dục nào. Và rồi ông bác chấm một dấu lặng đơn, “Anh đã về đây với rét mướt”. Về đây hay về đâu đó cũng chỉ là vì một người nào đó, để “đưa em qua những vùng tối ngoài kia, cho băng kết từng ngón tay em, ngón tay em thì gầy, anh sẽ làm câu hát cho niềm giá buốt trên đó”, và chỉ để “nghe tiếng em nói rất thầm như tiếng nói những vì sao”. Lạy Chúa, ông bác tán gái bằng tất cả nền văn chương Việt Nam!
Rồi thì dăm ngày sau nữa, ông bác bỗng dưng muốn trở thành Người làm vườn như Rabindranath Tagore:
Nếu đời anh chỉ là viên ngọc
anh sẽ đập nó ra làm trăm mảnh
và xâu thành một chuỗi quàng vào cổ em

bằng một tình yêu cũng bao dung như thế. “Đêm đã khuya trên từng ngọn cỏ. Ánh đã ngủ yên rồi phải không. Hãy ngủ bình an đi em. Anh xin kết bằng những tinh túy của trời đất đêm nay làm vương miện để vinh thăng cho Ánh”, “Anh cầu mong cho mọi người bình an. Và Ánh, và Ánh hằng muôn ngàn năm anh còn nhìn thấy với niềm kiêu hãnh.” Giá như ông bác yêu một cô trẻ nào mà cái tên là những thanh bằng, thay vì là một thanh trắc - Ánh (đã vậy còn đi sau một chữ Dao sắc lẻm), thì đời ông biết đâu đã bớt nhiều nốt cao thảng thốt “Dao Ánh Dao Ánh Dao Ánh”, cần phải kéo xuống cho êm dịu bằng lời mở thư “Thưa Dao Ánh của anh, của anh, của anh.” Đấy, ông bác cứ gọi Ánh ơi Ánh hỡi, Ánh thân yêu của anh…gọi triền miên như thế suốt một xấp các trang sau nữa - tức là gọi thêm vài năm, gọi đến hết một thế kỉ (mà người đọc cũng buồn chán không thèm lật từng trang, nên đành lật một lần một xấp, tới đâu thì tới). Cô trẻ có vẻ nghe ông gọi nhiều cũng mệt rồi, không trả lời thư nữa, thế là ông bác ủ dột biên một lá thư với câu đề từ trách móc “Gửi người yêu bạc bẽo nhất cuộc đời của anh” (ông biên như thế thì người viết phải trả lời làm sao để lại được ông vinh thăng cùng mặt trời và các vì tinh tú hở ông?). Hôm ấy vừa dịp ông bác bị tai nạn xe lúc được chở đi mua mấy cái bánh paté chaud. Ôi chán chường cho cuộc đời ông bác, nhận vơ điều gì là của ông cho đến mãi mãi sau này. Tới lúc ông nhận ra Ánh không phải là của ông bao giờ, chưa bao giờ là của ông. Lá thư cuối cùng - được gửi vào năm hai ngàn lẻ một - không còn là thư viết tay với kiểu chữ đầy nghệ sĩ nữa mà thay bằng những dòng điện tử. Trong đó, không có “anh”, cũng không có cái gì “của anh” nữa, chỉ là - “Mình lúc này quá lười, nên chuyến đi xa không hề nghĩ đến”. Mãi đến thế kỉ sau, ông bác mới nhận ra Ánh không phải là của ông.

Chuyến đi xa cuối cùng, dù không nghĩ đến, cũng đã đến. Vào năm hai ngàn lẻ một. Khép lại một niệm khúc xa lắc "Anh ước mơ có một căn nhà khói um lên trên đỉnh. Trong đó có một hạnh phúc vừa đủ để người này nương vào người kia"...

"Lúc còn trẻ chúng ta từ bỏ, cho rằng đó chỉ là một cuộc tình, nhưng cuối cùng mới biết, đó thực ra là cả cuộc đời."

Comments